Vấn đề đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng và vai trò chủ đạo của doanh nghiệp

Huan686 9/27/2012 2:41:53 PM

VẤN ĐỀ ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ HÀNG HÓA NÔNG SẢN THÔNG QUA HỢP ĐỒNG VÀ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA DOANH NGHIỆP

(Tham luận tại Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu cơ chế chính sách, môi trường đầu tư nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, 27/9/2012)

Th.s Nguyễn Hồng Phong

TGĐ Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông

 

Hơn 25 năm đổi mới, nông nghiệp Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, an ninh lương thực đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 4,2%/năm,... Hộ nông dân được thừa nhận là một đơn vị kinh tế tự chủ đã tạo ra bước đột phá về động lực phát triển. Chính sách đất đai được sửa đổi gắn liền với hàng loạt các chính sách khác như đầu tư giao thông, thủy lợi, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp,… đã góp phần thúc đẩy cho nông nghiệp phát triển. Chỉ tính 10 năm gần đây, nông nghiệp đã có những đổi mới mạnh mẽ với hàng loạt các chương trình, dự án, các chính sách được đưa vào thực tiễn như đẩy mạnh liên kết 4 nhà, cánh đồng mẫu lớn, tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tất cả đã tạo nên một phong trào sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục đưa ngành nông nghiệp của đất nước gặt hái được nhiều thành công lớn.

Tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với diện tích trồng trọt hàng năm lớn (khoảng gần 550 ngàn hecta gieo trồng/năm), tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích, nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho sản xuất nông nghiệp, thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh nhà là to lớn trong nhiều năm qua. Sau một quá trình phát triển tốt, trong thời gian gần đây, tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại. Sản xuất nông nghiệp đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn, như: quy mô sản xuất manh mún, số hộ có diện tích dưới 0,5 ha còn chiếm trên 70%, khó cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm không đồng dều, nhất là sản xuất lương thực không có vùng tập trung gắn với chế biến tiêu thụ; trình độ nhận thức của nông dân không đồng đều, ý thức sản xuất hàng hóa còn hạn chế; thiếu vắng vai trò của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra; sản phẩm chưa tiêu chuẩn hóa, chưa cấp chứng nhận chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu và chưa có sự khác biệt, sức cạnh tranh thấp,…

Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Đến năm 2008, tiếp tục có Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Nay đã qua 10 năm nhưng đến nay, theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), lúa hàng hóa tiêu thụ qua hợp đồng chỉ đạt 2,1%, chè 9%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%... Chỉ vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như: bông đạt hơn 90%, nuôi bò sữa 80%. Con số đó chứng tỏ hiệu quả của mối liên kết 4 nhà, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt còn rất nhiều hạn chế. Tỉnh Thanh Hóa chưa có chính sách riêng để thúc đẩy mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, vấn đề cốt tử để phát triển nền trồng trọt hàng hóa cả hiện tại và sau này.

Để khắc phục các hạn chế trên, cần phải có giải pháp vượt qua được trở ngại về tổ chức sản xuất kinh doanh với hộ nông dân để liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp được tăng cường một cách hiệu quả. Dưới góc độ của một doanh nghiệp nông nghiệp đang tham gia tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện những chủ trương tiến bộ của Nhà nước và ngành nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy để tiếp tục mở rộng và phát huy hiệu quả của sự liên kết kinh tế giữa nông dân với các đối tác kinh tế trong sản xuất trồng trọt, thì cần lưu ý những vấn đề sau:

Trước hết, cần xác định rõ vai trò của các đối tác trong liên kết. Lâu nay chúng ta nhắc đến mối liên kết 4 nhà, nhưng từ kinh nghiệm của mình chúng tôi nhận thấy chỉ cần 3 nhà, đó là:

- Đối với Nhà nông: là đối tác quan trọng nhất của doanh nghiệp trong liên kết, là người trực tiếp sản xuất trên diện tích đất đai của mình, trên cơ sở hợp đồng sản xuất – tiêu thụ đã ký với doanh nghiệp thông qua sự bảo trợ của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Quá trình này làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp không theo quy hoạch, kế hoạch sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp dưới sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Tăng khả năng tiếp cận với công nghệ, nguồn lực sản xuất và thị trường mới cho nông dân nhằm giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch. Nâng cao năng lực về tổ chức và nâng cao kiến thức nhờ vào sự chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức của mình; làm tăng vị thế đàm phán của nông dân và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

- Đối với doanh nghiệp: Với vai trò chủ đạo của mình, Doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào việc xây dựng thành công chuỗi giá trị ngành hàng nhằm tăng giá trị gia tăng cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Kết nối các tác nhân và nâng cao hiệu quả quản lý; đảm bảo sự công bằng trong phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro  giữa các tác nhân. Doanh nghiệp là người đề xướng và thiết kế đầu vào, đầu ra, thiết kế sản phẩm, xây dựng giá thành sản xuất và thị trường, xác định giá bán cho một sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp là người quản lý, điều phối, nhạc trưởng trong tổ chức thực hiện.

Các doanh nghiệp như Tiến Nông có sự đầu tư rất mạnh cho công tác nghiên cứu khoa học, trong đội ngũ cũng hội tụ những nhà khoa học chuyên ngành, và trong hoạt động có sự liên kết với các cơ quan khoa học cả trong và ngoài nước. Do đó trong mối liên kết này nhà khoa học và nhà doanh nghiệp có thể là một. Chúng ta sẽ gọi đối tác này là Doanh nghiệp khoa học. Vai trò chủ đạo của Doanh nghiệp đã được khẳng định nhiều lần qua các diễn đàn nông nghiệp các cấp,đồng thời thiết lập mối quan hệ bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp - các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và quản lý Nhà nước.

Doanh nghiệp Tiến Nông đã tham gia tích cực trong công tác sản xuất nông sản bằng cách tăng cường áp dụng cơ giới hóa, các giải pháp kỹ thuật mà doanh nghiệp có lợi thế để cùng với nông dân tạo ra giá trị trên diện tích sản xuất. Khi doanh nghiệp và nông dân trở thành đối tác sản xuất – thu mua thì mối liên kết được bền chặt và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp thấu hiểu đòi hỏi của thị trường về nông sản đầu ra nên kết hợp chặt chẽ với nông dân để quá trình sản xuất đảm bảo ra được sản phẩm đạt yêu cầu, và do đó không ngại đầu tư các tiến bộ kỹ thuật và lợi thế mình có để tham gia trong quá trình sản xuất của nông dân. Các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi ngành nghề nông nghiệp như Tiến Nông có lợi thế trong vấn đề này hơn là các doanh nghiệp kinh doanh thương mại (chỉ thua mua nông sản). Vụ mùa 2012, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông liên kết với một số địa phương (Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định) thực hiện các mô hình sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo quy trình kỹ thuật mà công ty nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả rõ rệt từ mối liên kết đó: người nông dân yên tâm sản xuất bởi toàn bộ chi phí được công ty đầu tư chậm trả đến cuối vụ, doanh nghiệp yên tâm về chất lượng đầu ra vì mình kiểm soát được quá trình sản xuất, địa phương ủng hộ vì các tiến bộ kỹ thuật, máy móc nông nghiệp mới được đưa vào ứng dụng đem lại diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

- Đối với chính quyền các cấp (Nhà nước): Cơ quan quản lý nhà nước ở cấp cơ sở là đối tác tham gia trực tiếp trong mối liên kết 3 nhà này. Đối tác này có vai trò bảo lãnh cho nhà nông trước doanh nghiệp và tạo lòng tin về doanh nghiệp trước nhà nông, đảm bảo cho mối liên kết doanh nghiệp – nhà nông hoạt động hiệu quả. Nhà nước kết nối các tác nhân và nâng cao hiệu quả quản lý; đảm bảo sự công bằng trong phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro  giữa các tác nhân; đảm bảo ổn định và công khai quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, thống nhất việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ trên địa bàn theo hướng phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Thu hút đầu tư từ nhiều nguồn để phát triển quy hoạch chung. Công nhận và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức liên kết nông dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có tham gia liên kết với nhà nông. Điều đó góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của liên mình. Mặt khác, các doanh nghiệp có đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu khoa học sẽ là những doanh nghiệp đáng tin cậy trong liên minh lâu dài. Công tác khuyến nông cần tiếp tục đẩy mạnh, kết hợp với các biện pháp tuyên truyền khác để bà con nông dân nhận thức rõ ý nghĩa của việc tham gia liên minh sản xuất – tiêu thụ với doanh nghiệp. Cần phải lồng ghép trở thành yêu cầu trong các chương trình xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, một vấn đề được nhắc lại nhiều lần đó là đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ mãi là rào cản để thực hiện những ý tưởng lớn./.

Bình luận

Viết bình luận:

Cùng chuyên mục

Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông

GPKD số: 2800142141
Địa chỉ: 274B Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa
Điện thoại: 02373.729.729
Email: info@tiennong.vn
Website: www.tiennong.vn
Nhận thông tin từ chúng tôi
TOP